Chủ nghĩa vô chính phủ

Thứ bảy 13, Tháng Hai 2010

Chủ nghĩa vô chính phủ là một hệ tư tưởng triết học chính trị bao trùm các học thuyết và thái độ ủng hộ việc loại bỏ tất cả các chính phủ cưỡng ép, nghĩa là nhà nước. Trong các ngôn ngữ châu Âu, thuật ngữ vô chính phủ xuất phát từ tiếng Hy Lạp αναρχω, anarcho, nghĩa là « không có người cai trị », từ ἀν (an, « không có ») + ἄρχή (arche, « cai trị ») + ισμός (từ thân từ -ιζειν). Thuật ngữ này (anarchism) được định nghĩa tại The Concise Oxford Dictionary of Politics là « quan điểm rằng xã hội có thể và nên được tổ chức mà không cần một nhà nước cưỡng ép. »Các nhà vô chính phủ cụ thể có thể có thêm các tiêu chí khác về những gì cấu thành nên chủ nghĩa vô chính phủ, và họ thường bất đồng quan điểm về các tiêu chí này. Theo cuốn The Oxford Companion to Philosophy, « không có một quan niệm mang tính định nghĩa duy nhất nào mà tất cả các nhà vô chính phủ đều đồng ý, ngoại trừ việc họ đều bác bỏ chính phủ cưỡng ép, và những người được xem là vô chính phủ cùng lắm là chia sẻ một Familienähnlichkeit nhất định ».

Có nhiều loại và truyền thống của chủ nghĩa vô chính phủ, không phải tất cả đều tách biệt lẫn nhau. Chủ nghĩa vô chính phủ thường được coi là một hệ tư tưởng cánh tả cấp tiến, và do đó đa phần kinh tế vô chính phủ và triết học luật pháp phản ảnh các cách giải thích mang tính chất bài quyền lực của các chủ nghĩa cộng sản, tập thể, công đoàn hay participatory economics; tuy nhiên, chủ nghĩa vô chính phủ đã luôn luôn bao gồm cả một dòng cá nhân chủ nghĩa, trong đó có những người ủng hộ chủ nghĩa tư bản (ví dụ những người theo chủ nghĩa vô chính phủ thị trường: chủ nghĩa tư bản vô chính phủ, agorism, v.v..) và các cấu trúc kinh tế định hướng thị trường khác, ví dụ: mutualism. Như miêu tả của nhà vô chính phủ thế kỉ 21 Cindy Milstein, chủ nghĩa vô chính phủ là một « truyền thống chính trị mà đã không ngừng vật lộn với tình trạng căng thẳng giữa cá nhân và xã hội. » Một số nhà vô chính phủ về cơ bản là phản đối mọi dạng cưỡng ép, trong khi những người khác ủng hộ việc sử dụng một số biện pháp cưỡng ép, trong đó có cách mạng bằng bạo lực, trong quá trình tiến tới tình trạng vô chính phủ.

Laisser un commentaire